HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ: TRAO ĐỔI VỀ CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN II CỦA NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐÀ

  01/09/2021

Được sự đồng ý của Chủ đầu tư - Công ty Cổ phần đầu tư Nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO), ngày 13/08/2021, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) – Đơn vị Tư vấn cho Dự án, đã tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tuyến, chuyên đề: Trao đổi về Công nghệ xử lý nước áp dụng cho giai đoạn II của Nhà máy nước Sông Đà thuộc Dự án: Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, giai đoạn II nâng công suất lên 600.000 m³/ngày.

Tham dự Hội thảo gồm có đại diện của của Chủ đầu tư; các Nhà khoa học; các Chuyên gia cấp nước đến từ các Công ty quản lý và vận hành hệ thống cấp nước cho các Đô thị lớn ở Việt Nam; các Chuyên gia về xử lý nước đến từ các Công ty tư vấn chuyên ngành Cấp thoát nước, bao gồm: Chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO); Ban Khoa học Công nghệ thuộc Hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA); Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng, Công ty Nước sạch Hà Nội (HAWACOM); Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Dương (HADUWACO), Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa (KHAWASSCO); Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn; Tập Đoàn Suez, Cộng hòa Pháp; Công ty Cổ phần TVĐT & XD Hạ tầng Phương Đông (OCI); Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE).

Ông Nguyễn Thanh Hải (Chủ tịch HĐQT Công ty VIWASE) đã phát biểu khai mạc, cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội thảo, cảm ơn các đối tác đã tin cậy và hợp tác với Công ty VIWASE thời gian qua cũng như trong tương lại. Công ty VIWASE mong muốn được nhận được các ý kiến đóng góp của các Nhà khoa học, các Chuyên gia cấp nước để nhóm dự án hoàn thiện và đưa ra giải pháp tối ưu về công nghệ cho giai đoạn II của Nhà máy nước Sông Đà.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết Hội thảo này cũng nằm trong chương trình tổ chức các Hội thảo khoa học hàng năm nhằm nâng cao năng lực tư vấn cho các cán bộ kỹ thuật của Công ty VIWASE.

Tại buổi hội thảo, thay mặt nhóm Dự án, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (PTGĐ Công ty VIWASE) giới thiệu tóm tắt các thông tin chung về dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, giai đoạn II để đáp ứng nhu cầu dùng nước cấp bách cho Thủ đô Hà Nội; Ths. Bùi Văn Khiêm (Chủ trì Công nghệ) trình bày cụ thể về Giải pháp công nghệ xử lý nước áp dụng cho giai đoạn II của Nhà máy nước Sông Đà, nâng công suất lên 600.000 m³/ngày.

Trong phần thảo luận, GS.TS Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội CTN Việt Nam; Ông Trịnh Văn Nam - PTGĐ Công ty VIWASUPCO; Ông Nguyễn văn Đàm - TGĐ Công ty KHAWASSCO; Ông Trần Dương - PTGĐ Công ty CP cấp nước Hải Phòng; Ông Trần Quốc Hùng – TGĐ Công ty HAWACOM, Ông Phạm Minh Cường – TGĐ Công ty HADUWACO; Ông Phùng Ngọc Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty OCI; Ông Đinh Viết Đường – Nguyên TGĐ Công ty VIWASE và nhiều đại biểu khác đưa ra các ý kiến tập trung về công nghệ xử lý nước áp dụng cho giai đoạn II của Nhà máy nước Sông Đà, chia sẻ về chuyên môn, kinh nghiệm về công nghệ xử lý nước và công tác quản lý vận hành của các Nhà máy nước mặt hiện đang áp dụng tại TP. Hà Nội; TP Hải Phòng, TP. Hải Dương, TP. Nha Trang.

Trong phần trao đổi thảo luận, các Đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản thống nhất với đề xuất của Công ty VIWASE về công nghệ xử lý áp dụng cho giai đoạn II của Nhà máy nước Sông Đà, góp ý bổ sung về giải pháp kỹ thuật cho các công trình Bể trộn, Bể phản ứng tạo bông, Bể lắng Lamen và Bể lọc qua những kinh nghiệm thực tiến về xây dựng và vận hành, bổ sung các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà.

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý và chia sẻ của các Đại biểu, Ông Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt Công ty VIWASE và Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến của các Đại biểu và trân trọng tiếp thu để nhóm Dự án hoàn thiện quy trình Công nghệ của giai đoạn II của Nhà máy nước Sông Đà nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn cho Thủ đô Hà Nội.

Nhóm Dự án Sông Đà giai đoạn II, nâng công suất lên 600.000 m³/ngày.

Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE).

 

News